Philippines là nước có cộng đồng Công giáo lớn thứ ba trên thế giới, với 92 triệu tín đồ, chiếm 92% dân số. Điều này đã tạo ra lối ứng xử rất Công giáo trên khắp đất nước này.
Các nhà thờ Công giáo là điểm quy tụ cầu nguyện và làm những nghi thức tưởng niệm hàng ngày trong năm. Trong những ngày lễ trọng theo lịch phụng vụ Công giáo, có lễ trở thành lễ hội lớn của cả nước, như là Holy Week (tuần thánh) vừa qua – với ba ngày lễ quan trọng (Holy Thursday, Good Friday, Easter Vigil – Thứ năm thánh, thứ sáu thánh và thứ bảy vọng Phục Sinh) để tưởng niệm Chúa Giêsu chết và phục sinh là ba ngày lễ lớn của Philippines. Tất cả các dịch vụ từ hàng quán nhỏ đến nhà hàng, từ học sinh, sinh viên đến giáo sư, tiến sĩ, từ công nhân công trình cho đến nhân viên văn phòng tất cả họ đều được nghỉ lễ và đó là quốc lễ của Philippines.
Những ngày các nhà thờ công giáo tấp nập người người đến rồi đi để họ chuẩn bị tâm hồn mừng lễ. Họ đi xưng tội, lập đàng thánh giá, đi đàng thánh giá, đọc kinh lần chuỗi mân côi. Ngay cả buổi trưa trời nắng chang chang, người ta vẫn đến đông đúc. Họ còn có những phong tục rất hay trong những ngày lễ này. Trong ngày lễ chiều thứ năm tuần thánh đến rạng sáng ngày thứ sáu tuần thánh họ sẽ đi viếng 7 nhà thờ khác nhau và cũng sẽ bắt đầu đi bộ hành hương làm các hoạt động tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Giêsu từ tối thứ năm.
Đến giờ Chúa phục sinh (Easter) họ cùng với gia đình kéo đến hân hoan, chờ đợi giây phút bừng sáng trong các nghi thức tưởng niệm do cha chủ tế làm. Và các ca đoàn đêm hôm ấy sẽ dốc hết lòng để hát những bài ca mang âm hưởng hân hoan, chiến thắng và vui mừng.
Nhiều tòa nhà ở Philippines và ngay cả các trường đại học hay trong một số trung tâm mua sắm (gọi là mall) đều có nhà nguyện (chapel) để mọi người có thể tham dự thánh lễ một cách thường xuyên và có rất nhiều giờ lễ để có thể chọn lựa, có 3 giờ lễ trong một ngày: sáng, trưa và chiều tối. Giờ lễ rất linh động để người làm việc văn phòng lẫn công nhân hay sinh viên đều có thể tham dự mỗi ngày.
Nền văn hóa Công giáo ở đây cũng thể hiện trên chính con người Philippines và cách ứng xử của người Philippines. Họ cởi mở, dễ dàng giúp đỡ bạn nếu bạn có bất kì chuyện gì cần giúp, họ sẽ rất vui vẻ chỉ đường cho bạn nếu bạn không biết. Người Phi biết văn hóa xếp hàng và lịch sự không tranh dành, nhưng nếu bạn gặp một tai nạn gì cấp thết họ cũng rất lịch thiệp để nhường bạn lên trước. Họ luôn nở nụ cười chào bạn ngay cả khi mình chỉ lướt qua họ. Sa-la-mat là tiếng cảm ơn theo ngôn ngữ Tagalog của người Philippines, nó luôn được nói khi bạn làm một điều gì giúp nhau cho dù nó rất nhỏ hay cũng chẳng đáng là bao.
Trên đường đi bạn đừng lo khi phải qua đường nếu bạn đi bộ bạn có thể qua đường rất an toàn vì khi bạn qua đường, các loại xe sẽ nhường đường để bạn qua. Bạn cũng có thể nhìn thấy những quảng cáo, những bảng hiệu lớn không phải để quảng cáo sản phẩm mà đó là hình ảnh của Đức Mẹ Maria hay của Chúa Giêsu, nhiều khi là câu nói trong Kinh thánh hay để thông báo về lịch thánh lễ của một nhà thờ gần đó. Trên các loại xe bạn cũng có thể nhìn thấy dán hình hoặc treo chuỗi tràng hạt đằng trước chỗ tài xế ngồi. Khi ngồi trên taxi bạn sẽ thường xuyên được tài xế cho nghe nhạc và bạn cũng thường xuyên nghe thấy một bái hát thánh ca hay một đoạn kinh thánh.
Người Philippines đặc biệt thích ca hát, nhảy múa. Chính vì thế mà bạn có thể nghe và tham dự thánh lễ với họ rất hăng say và tâm tình, vì những bài hát thánh ca mà họ hát. Những ngôi thánh đường theo kiến trúc mái vòm của Châu Âu hay còn gọi là phong cách kiến trúc Baroque mà người Tây Ban Nha để lại cũng giúp cho âm thanh vang vọng hay hơn khi họ cất giọng hát.
Những kiến trúc nhà thờ Công giáo cũng là biểu tưởng hay được các nghệ sĩ vẽ lại, được chụp lại, được dán trên xe Jeepney – một loại phương tiện công cộng đặc trưng của Philippines – nó là nơi thỏa mãn được phần tâm linh mà người Công giáo Philippines rất tôn kính. Một phần cũng là nhờ những kết cấu kiến trúc của nhà thờ Công giáo Philippines tạo nên sự trang nghiêm và rất đẹp.
Philippines là một trong hai quốc gia có đạo luật cấm ly hôn như giáo luật của đạo Công giáo. Đất nước kia là Đông-Ti-Mo được tách ra từ Indonesia. Cả hai quốc gia có tỉ lệ dân số theo Công giáo cao nhất. Và Công giáo cũng có tiếng nói ảnh hưởng rất lớn trong nền chính trị của quốc gia.